Vườn khô hay còn gọi là vườn đá là một sáng tạo nghệ thuật từ thế kỉ XIII của Nhật Bản. Những hình tượng trong Vườn đá chứa đựng tư tưởng mang tầm kháy quát triết học sâu sắc rất gần gũi với tư tưởng, hình tượng của văn minh Châu Âu. Vườn đá là một khoán địa phủ đầy cát sỏi màu trắng, từ đó thấy nổi lên những cù lao con con và những hòn đá nhiều hình dạng. Đây là những hòn đá được nhân hóa và Vườn đá là vũ trụ được mô hình hóa một cách hình tượng. Nó thể hiện một cách tuyệt vời cái hỗn độn hài hòa của thế giới mà thiên nhiên đã tạo ra từ thuở hồng hoang. Những hòn đá lẫn trong cát sỏi chính là những cù lao xanh giữa đại dương vĩnh hằng, cũng có thể gọi là cõi Hư vô. Theo Bôrev, Vườn đá của Nhật chứa đựng triết lí gần gũi với những tư tưởng xuất hiện ở văn hóa Pháp, thời đại của chủ nghĩa hiện sinh bởi nó tuyên ngôn cho tư tưởng về sự phi lí của cuộc đời và xem thế giới là cõi hư vô.


Trong Vườn đá của Nhật Bản có cả thảy 15 hòn đá. Chúng được sắp xếp kì diệu tới mức, đứng ở đâu, từ góc độ nào, người ta cũng chỉ nhìn thấy 12, 13 hoặc cùng lắm là 14 hòn đá mà thôi. Đó cũng là mô hình của vũ trụ phản ánh một cách nghệ thuật cái mâu thuẫn muôn đời giữa chân lí tuyệt đối và những gì tương đối.
Vườn đá của Nhật Bản do ảnh hưởng đặc trưng mang phong cách Thiền tông và được áp dụng nhiều trong các thiền viện, trà thất. Không giống như những kiểu vườn truyền thống khác, vườn kiểu Karesansui không có sự hiện diện của yếu tố nước, đó đơn giản là sự sắp xếp của đá, sỏi, cát thành những hình gợi nên cảm giác sông, hồ, biển cả với núi đá, hòn đảo nhô lên. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ đơn giản, bình thường nhưng giá trị thực của nó đòi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư, mặc định và từ từ thấu hiểu ý nghĩa sâu xa hàm chứa bên trong những hình dáng đơn giản kia.