“Nhất kì nhất hội” – người Nhật vẫn luôn tin vào điều đó. Những gì mỏng manh, bất biến, khó định nghĩa, khó nĩu giữ thì mới là hoàn hảo, mới đạt tới đỉnh cao của cái đẹp. Có phải vì thế mà việc ngắm hàng triệu cánh anh đào li ti tàn phai mỗi độ xuân sang hay thưởng thức chén trà trong không gian u tịch là điều ai cũng nhất định phải làm.
Tập tục uống trà của người Nhật được bắt nguồn từ Trung Quốc khi vào thế kỉ thứ VII, những vị sứ thần và tu sĩ đem hạt giống của nhà Đường về Nhật , thứ “Ocha” mới được biết tới và ngay lập tức được coi như một vị thuốc trường sinh, chỉ có vương giả quý tộc mới được dùng tới. Đến thế kỉ thứ XII, phong cách pha trà của người Nhật được nâng lên thành “Đạo” bởi sự tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của những Samura, nghĩa là không chỉ đơn thuần là uống, mà còn là hiểu, là thấu, là cảm.
Trà đạo không dành cho những ai hời hợt. Chén trà sau khi pha xong là phần thưởng cho những ai biết đợi chờ, hi vọng, đồng nghĩa với việc phải cảm nhận được hết hương vị cũng như văn hóa của người Nhật được kết tinh trong đó.
Người ta nói Trà đạo cầu kỳ. Nghề chơi cũng lắm công phu. Để thưởng được một chén trà ngon người ta phải chuẩn bị biết bao thứ xung quanh nó, chỉ để thoảng nghe hương trà nhẹ nhẹ và cái vị đắng tan ngay nơi đầu lưỡi. Trà thất là yếu tố đầu tiên của việc thưởng trà công phu đó.
Trà thất là một gian nhà gỗ nhỏ được đặt trong một không gian vườn trà xanh mát với những tán cây lớn và sỏi đá tự nhiên được xếp đặt công phu.
Trước khi vào bên trong trà thất, người ta bắt buộc phải rửa tay và rửa mặt từ nước đựng trong một chậu nước bằng đá được gọi là Tsukubai với hàm ý rũ bỏ hết những bụi bẩn trần tục để bước vào một không gian cao khiết, thanh sạch hơn.
Bên trong nhà thất, mọi vật dụng được bày trí theo nguyên tắc “thiết đãi ngũ quan” – nghĩa là tất cả giác quan đều được cưng chiều hết mức. Thị giác có thể trông thấy những cảnh sắc thiên nhiên từ bên ngoài đang ùa vào gian phòng, thính giác có thể nghe được tiếng nước sôi lục bục trong ấm sắt, khướu giác có thể ngửi được hương trà ấm nồng, vị giác sẽ thấy được chất đắng thanh tao từ matcha và xúc giác thì không thể chối bỏ sự nhẹ nhàng, thanh lịch khi nâng chén trà lên thưởng thức.
Trà thất thường sử dụng gỗ Hinoki, một loại gỗ có màu vàng nhạt sáng, hương thơm dịu dàng ấm áp và đặc biệt có tác dụng trong việc tạo một không gian tĩnh cho gian phòng. Người ngồi uống trà thường quỳ trên những tấm chiếu Tatami lớn, đôi khi có thêm đệm để tạo cảm giác êm ái hơn.